Tên gọi Chữ Nôm

Cả hai từ chữ và Nôm trong chữ nôm đều là từ Hán Việt cổ. Từ chữ bắt nguồn từ cách phát âm trong tiếng Hán thượng cổ của chữ “tự” 字 (có nghĩa là chữ).[2] Từ Nôm bắt nguồn từ cách phát âm miền Trong của chữ Hán Việt “Nam” 南 (có nghĩa là phía nam).[3] Ý của tên gọi chữ Nôm là đây là thứ chữ dùng để ghi chép tiếng nói của người phương Nam (tức người Việt, xưa kia người Việt tự xem mình là người phương Nam, còn người Trung Quốc là người phương Bắc).[4]

Tên gọi chữ Nôm khi viết bằng chữ Nôm có thể viết bằng rất nhiều cách khác nhau:[5][6]

  • Từ chữ: 字, 𪧚, 𡨸,茡,芓,𡦂,佇,宁
  • Từ Nôm: 喃, 諵

Tên gọi Quốc âm (國音) được các thi hào sử dụng để đặt tên cho các tác phẩm bằng chữ Nôm như Quốc âm Thi tập, Hồng Đức Quốc âm Thi tập. Chữ âm 音 có nghĩa là "tiếng" như trong từ âm thanh, âm giọng, liên tưởng đến "tiếng nói" hay "ngôn ngữ", nên có thể Quốc âm còn có nghĩa là "tiếng nói của đất nước", ám chỉ tới tiếng Việt. Một tác phẩm bằng chữ Nôm khác là Bạch Vân quốc ngữ thi tập, sử dụng từ "Quốc ngữ". Do vậy từ lâu chữ Nôm đã được người đương thời coi là chữ viết tiếng Việt.